Nguyễn Đình Hương – người cán bộ trung kiên, liêm chính đã rời xa dương thế

5/4/2020 - 12:00 AM
VietTimes -- Vẫn biết ông đã mang trọng bệnh suốt hơn 10 năm qua, và lần cuối cùng được vào thăm ông dịp trước Tết Canh Tý, ông đã rất yếu, gần như chỉ còn da bọc xương. Vẫn mơ hồ nghĩ đến một ngày rồi sẽ phải… xa ông. Ấy vậy mà khi nghe tin báo vào lúc 16h10 phút hôm nay, 03/05/2020 (tức 11 tháng 4 năm Canh Tý), trái tim nhà cách mạng lão thành Nguyễn Đình Hương đã ngừng đập tôi vẫn hết sức bàng hoàng và đau buồn. Một cán bộ trung kiên, nhà tổ chức Đảng liêm chính, một bậc lão thành cách mạng bình dị đã rời xa dương thế.

“Người con của quê hương đất nước”

Năm 2019 ông Nguyễn Đình Hương tròn 90 tuổi. Để tri ân ông, CLB Café Số chúng tôi bàn nhau rồi đi đến quyết định làm cho ông một cuốn sách. Cuốn sách là tuyển tập các bài ông viết, bài các nhà báo viết về ông, các nhà báo phỏng vấn ông đã được đăng trên các báo chính thống.

Câu chuyện làm sách tưởng chừng đơn giản. Mà đơn giản thật: Tập hợp các bài báo đã được đăng trong suốt hơn 10 năm qua, đã được công chúng tiếp nhận thì có gì đâu mà phải nâng lên đặt xuống. Một công ty làm sách cũng rất hào hứng, vì thật tình giới báo chí và công chúng rất mến một ông Nguyễn Đình Hương.

Với anh em nhà báo chúng tôi, dường như cứ sau một sự kiện, nhất là những sự kiện hệ trọng như chỉnh đốn Đảng hay xử lý một nhân vật nào đó liên quan tới tham nhũng, lại tìm tới ông. Bao giờ ông cũng phát biểu chính trực, nói thẳng vào vấn đề, không né tránh, không vòng vo, ngay cả những chuyện được coi là “nhạy cảm”. Cái vị thế 55 năm làm công tác tổ chức và bảo vệ chính trị nội bộ “không tì vết” của mình đủ để cho ông nói mà không phải “nhìn trước, ngó sau”.  Giới báo chí quý ông là vì thế.

Để tri ân ông, làm sách cho ông cũng là vì thế. Nhưng rồi, một tháng, hai tháng trôi qua, đã cận kề ngày sinh nhật ông, ông đã mấy lần đi viện, người gầy đi, yếu đi trông thấy, sách vẫn… không ra được. Công ty làm sách phân trần rằng, đã gửi đi nhiều nhà xuất bản, nhưng nơi thì bảo “đăng báo là một chuyện, còn làm sách lại là chuyện khác”; nơi thì ra yêu cầu bỏ đi bài này, bài kia; bài này thì cắt đi đoạn đầu, bài kia cắt đi đoạn cuối…



Ông Nguyễn Đình Hương- tấm gương sáng về lòng kiên trung và liêm chính- Ảnh Việt Dũng.
 

Khi xem lại những bài mà người ta đòi cắt đi đa phần là các bài Cụ Hương nói về chống tham nhũng, chỉ đích danh “anh” này, “anh” kia, “nhóm” này, “nhóm” kia. Thì ra, “quyền uy” của ông Nguyễn Đình Hương “ghê thật”, dù đã rời chính trường 13 năm.

Rất may là cuối cùng thì cuốn sách “Nguyễn Đình Hương – Người con của non sông đất nước” cũng hoàn thành.

Người có công lớn để cuốn sách ra đời là ThS Kim Quang Minh, Tổng giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ. Cũng xin nói thêm. Ông Kim Quang Minh là người rất kính trọng ông Nguyễn Đình Hương. Ông Minh đã huy động gần như cả bộ máy của Nhà xuất bản để trong một thơi gian ngắn cuốn sách ra đời kịp sinh nhật cụ Nguyễn Đình Hương.
 


Ông Kim Quang Minh trong một lần đến thăm ông Nguyễn Đình Hương

Ngày 17/10/2019, tại Nhà Đấu giá Nghệ thuật Chọn, 63 Hàm Long, Hà Nội, các nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ, những người mến mộ cụ Nguyễn Đình Hương đã đến chật cứng hội trường. Ông Hương cảm động: “Đây là một trong những sự kiện đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi”.

Một cán bộ trung kiên, liêm chính

Ông Hương là người bộc trực, ngay thẳng. Có lần tiếp chúng tôi, khi nói chuyện về công tác cán bộ, ông Hương kể: “Một lần, ông Mười (nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười – NV) trách tôi: “Hơn 50 năm cậu làm công tác tổ chức cán bộ mà cậu không chọn được con các ông Bộ Chính trị nào vào Bộ Chính trị”. Tôi bảo: “Thưa Bác, Bộ Chính trị, Ban chấp hành TƯ là cơ quan cao nhất của Đảng chứ không phải nơi kết nối con ông cháu cha”. Ông Mười cười. Thời tôi làm ở Ban Tổ chức Trung ương các cụ nghiêm lắm. Cho nên con ông Lê Duẩn, con ông Phạm Văn Đồng, con ông Nguyễn Văn Linh, con ông Phạm Hùng… có ai vào Bộ Chính trị, vào Trung ương đâu. Ngoại trừ ông Đặng Xuân Kỳ, con trai đồng chí Trường Chinh. Mà ông Kỳ xứng đáng là Ủy viên Trung ương”.



Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt cho ông Hương biệt danh “Kiến trúc sư” trong công tác cán bộ, còn cố Tổng bí thư Đỗ Mười thì gọi ông là “Cuốn từ điển” về công tác tổ chức.

Hôm tổ chức sinh nhật ông và ra mắt cuốn sách “Nguyễn Đình Hương – Người con của non sông đất nước”, ông Hương còn kể rằng, Nhà thơ Tố Hữu, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng “phong” cho ông là “chiếc điếu cày”. “Ông Tố Hữu hỏi tôi: “Cậu làm gì?”,  tôi bảo “Tôi làm “điếu đóm” thôi”. Ông Tố Hữu cười bảo: “Cậu “điếu đóm”, nhưng là điếu to - điếu cày. Mà điếu cày là kêu to lắm, khiếp lắm”.  

Trong khi đó, theo chính ông Hương, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn đặt cho ông Hương biệt danh “Kiến trúc sư” trong công tác cán bộ, còn cố Tổng bí thư Đỗ Mười thì gọi ông là “Cuốn từ điển” về công tác tổ chức.

Có thể nói, là người làm công tác tổ chức lâu năm của Đảng, đầy quyền uy, nhưng ông luôn nghiêm khắc đến mức nghiệt ngã với chính mình. Không phải ông không có cơ hội có nhà cao cửa rộng.

Những người từng làm việc và quen biết ông Hương lâu năm đều có chung một nhận xét, ông là người lòng dạ ngay thẳng và “rất khó mua chuộc”. Có lần, trong lúc “trà dư tửu hậu” ông bảo, không phải ít lần có tổ chức, cả những cá nhân gợi ý bố trí biệt thự cho ông ở Hà Nội, TP. HCM, thậm chí cả Vũng Tàu, nhưng ông đều từ chối. “Mình sống đạm bạc quen rồi. Nhu cầu ăn ở cũng chỉ chừng này là đủ” – ông khoát tay chỉ căn nhà mình đang sống. 

Ông bảo thế và tôi tin như thế. Bởi tôi biết, ở cương vị ông, nếu muốn có nhà lầu, tiền bạc, ông thừa sức. Có lần ông kể, ông được Bộ Chính trị, trực tiếp là Tổng bí thư Đỗ Mười giao cho đi xác minh vụ việc một Ủy viên Bộ Chính trị bị tố cáo trong thời gian bị địch bắt, ông này đã khai báo với địch làm nhiều cơ sở cách mạng bị vỡ, nhiều chiến sĩ cách mạng bị địch bắt. Ông đã hoàn thành nhiệm vụ, mặc dù không dễ dàng gì. Kết quả là ông này bị khai trừ khỏi Đảng, cách hết các chức vụ.

“Vụ việc này chỉ một mình tớ làm, một mình tớ biết, nếu tớ muốn “ăn” thì chỉ cần bỏ đi vài trang tài liệu viết tay là có xe hơi, nhà lầu ngay” – ông Hương kể.

Hơn 20 năm quen biết ông, vẫn ngôi nhà trong khu tập thể cũ, trong một ngách hẹp của phố Đội Cấn (Hà Nội), vẫn cái phòng khách chừng 10m2, vẫn bộ bàn ghế tềnh toàng ấy. “Ấy vậy mà các đời Trưởng ban Tổ chức Trung ương, các lãnh đạo và cựu lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ trưởng và cựu Bộ trưởng… khi đến thăm tớ cũng đều ngồi ở chiếc ghế mà các cậu đang ngồi ấy thôi!” – ông chỉ vào chiếc ghế chúng tôi đang ngồi, cười đôn hậu.

Hôm chúng tôi đến thăm ông trước ngày Hội nghị Trung ương 7, khóa XII Đảng Cộng sản Việt Nam (từ ngày 7 đến 12/5/2018) diễn ra. Một hội nghị, mà theo ông, là hết sức quan trọng, bàn về công tác cán bộ. Ông đã trả lời phỏng vấn chúng tôi một bài dài về công cuộc chống tham nhũng và công tác cán bộ.

“Cụ Hồ đã nói rồi, muốn xây một cái nhà đẹp thì trước hết phải quét sạch rác rưởi – ông bảo – Công tác cán bộ cũng vậy. Trước hết phải sạch và không dính líu đến “lợi ích nhóm”. Đó là hai tiêu chuẩn rất quan trọng của một cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược, còn các tiêu chuẩn khác thì Hội nghị Trung ương 3, khóa VIII từ tháng 6/1997 đã nói rất rõ rồi”.

Căn phòng khách nhỏ bé của ông như nóng dần lên bởi câu chuyện thời sự chống tham nhũng. Ông nói về những “thanh củi khô” đã vào “lò”như Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng, rồi Vũ “nhôm”, Út “trọc”… và cả những “thanh củi tươi” đang bị bén lửa...

Nguồn: https://viettimes.vn/nguyen-dinh-huong-nguoi-can-bo-trung-kien-liem-chinh-da-roi-xa-duong-the-388233.html

Sign up for the newsletter Register