Sách Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam trong dòng chảy chung của văn hóa đọc

4/19/2017 - 12:00 AM
Trong thời đại bùng nổ thông tin với sự phát triển như vũ bão của Internet và rất nhiều phương tiện nghe nhìn hiện nay, sức mạnh kỳ lạ của sách báo với văn hóa đọc truyền thống vẫn giữ nguyên giá trị.
Trong thời đại bùng nổ thông tin với sự phát triển như vũ bão của Internet và rất nhiều phương tiện nghe nhìn hiện nay, sức mạnh kỳ lạ của sách báo với văn hóa đọc truyền thống vẫn giữ nguyên giá trị.


Ông Kim Quang Minh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam

Thắp lên ngọn lửa đam mê khoa học và đảm nhiệm sứ mệnh truyền bá tri thức khoa học ngành Tài nguyên – Môi trường tới độc giả cả nước

Marcus Tulins, nhà chính trị, nhà hùng biện người La Mã từng nói: “Một ngôi nhà không có sách báo như thân thể không có linh hồn". Còn Henry David Thoreau, nhà văn, nhà thơ, nhà tự nhiên học, nhà sử học, triết học, nhà địa hình học người Mỹ thì khẳng định: "Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia”.

Với những tiêu chí vững vàng đó, Nhà xuất bản Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam chúng ta thật tự hào vì bao năm qua đã góp sức cùng các nhà xuất bản khác lan toả sức nóng, để có những ảnh hưởng cấp thiết tới đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước và cả trên thế giới. 

Theo Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2017 đã là năm thứ IV chúng ta tổ chức “Ngày sách Việt Nam 21/4” trên quy mô cả nước.

Hòa trong không khí náo nức ấy, Nhà xuất bản Tài nguyên – Môi trường và Bản đồ Việt Nam (Nhà xuất bản) long trọng tổ chức Hội thảo với chủ đề “Sách tài nguyên – môi trường với ngày sách Việt Nam 21/4/2017” để hân hạnh được đón tiếp những người đã quan tâm, đã góp phần thắp lên ngọn lửa đam mê khoa học và đảm nhiệm sứ mệnh truyền bá tri thức khoa học ngành Tài nguyên – Môi trường tới độc giả cả nước.

Buổi Hội thảo cũng là dịp để chúng ta cùng tôn vinh giá trị của các ấn phẩm sách TN&MT, tôn vinh và khẳng định vai trò quan trọng của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội và đội ngũ những người viết sách, xuất bản, in ấn, phát hành và quảng bá sách TN&MT, để thấy được vai trò của sách Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam trong dòng chảy chung của văn hóa đọc, của sách Việt Nam và ngày sách Việt Nam – 21/4.


 

Văn hoá đọc được tôn vinh mạnh mẽ trong cộng đồng

Tôn vinh văn hóa đọc là việc làm hết sức cần thiết đối với sự hình thành, phát triển chính trị - kinh tế - văn hóa, xã hội của đất nước. Tôn vinh văn hóa đọc chính là tạo nền tảng trí thức, xây dựng đội ngũ lao động tinh hoa cho đất nước. Ở mỗi thời kỳ, mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực, văn hóa đọc tồn tại và phát triển với những cung bậc và hình thức khác nhau. Như kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, ngay từ khi ra đời đã đi vào mọi nẻo đường sinh hoạt văn hóa của dân tộc, từ án sách, bờ tre, xưởng máy đến chiến trường; từ miền ngược, miền xuôi, biển rộng đến đảo xa. “Khúc Nam âm tuyệt xướng” ấy, cho đến nay vẫn luôn được mọi tầng lớp nhân dân yêu chuộng và hầu như là nơi hội tụ cảm xúc, thử thách trí tuệ, tài năng của bao lớp người cầm bút và có bao thế hệ đã, đang và sẽ say mê đọc Kiều, ngâm Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều…

Hay cuốn "Dư địa chí" là sách địa chí do Ức Trai Nguyễn Trãi, danh thần nhà Hậu Lê biên soạn vào năm 1435. Cuốn sách viết bằng tiếng Hán đã ghi chép trung thực về địa lý hành chính và tự nhiên của Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. Cuốn sách trải qua bao thăng trầm như số phận người viết nó, đến nay vẫn luôn là tài liệu quí báu để các lớp hậu duệ tìm đọc và nghiên cứu. 

Rồi "Phủ biên tạp lục" - sử liệu quí của nhà bác học Lê Quí Đôn viết năm 1776. “Đi dạo núi sông, hỏi di tích, xem xét lệ cũ, tìm kiếm nhân tài, tuỳ bút chép ra thành quyển". Đó là việc nhà bác học lớn của Việt Nam đã thực hiện thật kỹ lưỡng để ra được một bộ tài liệu cổ đồ sộ mô tả kỹ càng nhất về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. 

Cho đến những năm gần đây, nhật ký chiến tranh của các liệt sĩ: Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Vũ Xuân… đã trở thành một hiện tượng để văn hóa đọc được tôn vinh mạnh mẽ trong cộng đồng. Vì người đọc đã tìm thấy từ những trang nhật ký ấy những con người lý tưởng, những sự kiện chân thực, sống động, giản dị mà vĩ đại trong chiến tranh, cùng những tiếng ngân của tâm hồn, cả những cung bậc cảm xúc rất đời, rất người...  Và chính nhân vật trong các tác phẩm ấy cũng bộc lộ sự ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa đọc. Như liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã viết: “Dĩ vãng thì đã xa xăm. Mà cuộc sống thì luôn cất tiếng gọi trở về - Altưnai đấy – có phải là lời bào chữa…?  Đuysen sao khéo chôn kỷ niệm của mình mà sống… Con người đó đáng kính phục lắm, lý tưởng lắm… Tại sao Đuysen lại tự im lặng, tự ôm lấy con tim mình không cho nó khóc?... Cuộc sống này thi vị biết bao và cần nghị lực biết bao…”.

Những dòng viết đầy cảm xúc chân thành đã đi thẳng vào lòng bạn đọc. 


 

Tủ sách Tài nguyên – Môi trường ngày một phong phú và được nhiều độc giả đón nhận

Cũng không ngừng lan tỏa sức sống bền bỉ ấy, những sản phẩm Atlas, các bản đồ, cùng rất nhiều ấn phẩm sách của Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam luôn khẳng định được giá trị mạnh mẽ trong cộng đồng cả nước và cả ở nước ngoài.

Với trách nhiệm là đơn vị duy nhất thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, trong những năm qua, Nhà  xuất bản đã âm thầm nỗ lực không ngừng xuất bản những ấn phẩm sách, những bản đồ có giá trị, góp phần làm phong phú thêm Tủ sách về lĩnh vực tài nguyên – môi trường phục vụ cho công tác nghiên cứu, quản lý của Bộ, cũng như phục vụ nhu cầu của đông đảo bạn đọc. 

Cho đến nay, các bộ sách pháp luật như Luật Đất đai; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Khoáng sản,… và hệ thống các văn bản hướng dẫn đi kèm được xuất bản cập nhật, phục vụ kịp thời cho công tác quản lý của cán bộ quản lý ở Trung ương và ở các địa phương trong cả nước. Mảng sách nghiên cứu, sách tham khảo cũng mở rộng với nhiều đề tài cấp thiết, nhận được sự quan tâm sâu sắc của xã hội như: Hoàng Sa, Trường Sa trong tâm thức Việt Nam; Đất, biển, trời Việt Nam; Dự báo khí tượng thủy văn; Cơ sở môi trường sinh thái; Bảo tồn da dạng sinh học dãy Trường Sơn; Biến đổi khí hậu về tăng trưởng xanh; Quản lý và sử dụng tài nguyên đất… Bên cạnh đó, bạn đọc cả nước cũng luôn quan tâm tới những đề tài sách phổ biến kiến thức cho cộng đồng của Nhà xuất bản như: Kỹ thuật xử lý môi trường nông thôn; Cẩm nang phòng chống ứng phó với thiên tai; Quản lý và xử lý rác thải,…  

Đặc biệt, việc triển khai, định hướng xuất bản phẩm điện tử của Nhà xuất bản bước đầu cũng đã có những kết quả khả quan như: Sản phẩm Bản đồ điện tử multimedia “Điện Biên Phủ 1954”; “Mùa xuân toàn thắng 1975”… cùng các Atlas điện tử Lào Cai, Hậu Giang, Bình Dương…; Bản đồ du lịch điện tử Quảng Ninh, Bắc Ninh...; các hệ thống GIS như: GIS Chính phủ, GIS Hưng Yên, GIS PCCC… là những xuất bản phẩm có tính giáo dục cao, phục vụ cho công tác chính trị, quản lý, điều hành, phát triển kinh tế - văn hóa- xã hội và cứu nạn cứu hộ… cho các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội… từ Trung ương đến các địa phương.

Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế khó khăn, những nỗ lực của Nhà xuất bản so với nhu cầu thực tế về sách, xuất bản phẩm thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường vẫn có một khoảng cách lớn. Bộ Tài nguyên và Môi trường mặc dù đã quan tâm đầu tư cho xuất bản sách, tài liệu phục vụ công tác quản lý, tuyên truyền của Bộ, nhưng trên thực tế, việc đầu tư vẫn theo tính đơn lẻ, đi kèm theo các chương trình nghiên cứu hoặc đào tạo kiến thức pháp luật. Công tác xuất bản sách, tài liệu phục vụ cho nghiên cứu, quản lý cho cán bộ các cấp cũng như sách, tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức cộng đồng vẫn chưa có chiến lược, quy hoạch tổng thể. Lượng sách, xuất bản phẩm thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường hiện vẫn chưa phát triển tương xứng với yêu cầu phát triển của ngành trong thời điểm hiện tại và xu hướng hội nhập quốc tế.

Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, ngoài sự nỗ lực không ngừng của chính mình, Nhà xuất bản Tài nguyên – Môi trường và Bản đồ Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ để cùng phát triển hoạt động xuất bản sách, xuất bản phẩm phục vụ cho các lĩnh vực quản lý tài nguyên – môi trường và phục vụ ngày càng nhiều hơn các độc giả trong và ngoài nước.

Đặc biệt, chúng tôi rất mong được Bộ Tài nguyên & Môi trường; Bộ Thông tin & Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương cho phép Nhà xuất bản là cơ quan chủ trì, đầu mối về các xuất bản phẩm điện tử về 8 lĩnh vực Tài nguyên – Môi trường để Nhà xuất bản có thêm điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin về lĩnh vực tài nguyên - môi trường ngày càng lớn của độc giả trong cả nước, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đất nước trong xu thế hội nhập và phát triển chung của thế giới. 

Cùng đồng hành với Sách Tài nguyên môi trường và Bản đồ Việt Nam để hòa chung vào dòng chảy của văn hóa đọc, của sách Việt Nam và ngày sách Việt Nam (21/4).

Như J.K. Rowling, tác giả bộ sách Harry Porter đã từng tâm niệm rằng: “Tôi không tin vào những phép thuật mà tôi sáng tác. Nhưng tôi thật sự tin rằng phép mầu có thể xuất hiện khi bạn đọc một quyển sách hay”. Và trên chặng đường đầy cam go, thử thách mà đầy tự hào và vinh quang này, NXB Tài nguyên – Môi trường và Bản đồ Việt Nam hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự lãnh đạo và đồng hành của Bộ Tài nguyên & Môi trường, của Bộ Thông tin & Truyền thông cùng các nhà khoa học, các cán bộ nghiên cứu, quản lý ngành tài nguyên - môi trường trên cả nước!

Tha thiết mong rằngTủ sách Tài nguyên – Môi trường của chúng ta ngày một phong phú và được nhiều độc giả đón nhận.

                Ông Kim Quang Minh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Nhà xuất bản TNMT và Bản đồ Việt Nam

Sign up for the newsletter Register