Bản đồ số bán đắt như tôm tươi

5/1/2012 - 12:00 AM
Nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh bản đồ số đang “sống khỏe” do nhu cầu ngày càng lớn. Phần mềm bản đồ số do các đơn vị trong nước phát triển ngày càng được người dùng Việt Nam chuộng vì gần gũi, dễ tra cứu địa điểm, dò đường khi cần thiết ngay trên máy tính hoặc điện thoại di động.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh bản đồ số đang “sống khỏe” do nhu cầu ngày càng lớn. Phần mềm bản đồ số do các đơn vị trong nước phát triển ngày càng được người dùng Việt Nam chuộng vì gần gũi, dễ tra cứu địa điểm, dò đường khi cần thiết ngay trên máy tính hoặc điện thoại di động.

Trong lòng bàn tay

Khi sử dụng bản đồ số, người dùng chỉ cần nhập địa điểm đi và đến bản đồ sẽ chỉ ra quãng đường ngắn nhất tùy theo loại phương tiện. Trên bản đồ số người dùng dễ dàng tìm kiếm tất cả các dịch vụ (trường học, bệnh viện, chợ, tạp hóa…) xung quanh bất kỳ một điểm cố định theo tứ tự ưu tiên từ gần ra xa. Bản đồ số càng tiện lợi hơn cho người sử dụng khi được tích hợp vào điện thoại di động.

Điện thoại di động Samsung dùng hệ điều hành Bada được tích hợp sẵn bản đồ số Việt Nam là một ví dụ. Bản đồ số này do Samsung đặt hàng Công ty cổ phần Địa điểm để làm ứng dụng riêng trên điện thoại di động của mình. Người mua điện thoại Samsung không phải trả tiền phần mềm. Tuy nhiên, điện thoại sử dụng hệ điều hành khác, hoặc của hãng khác, muốn sử dụng bản đồ số của Công ty Địa điểm đều phải trả phí. Còn bản đồ số VIETMAP - phiên bản cho hệ điều hành của Apple, Android do Công ty Cổ phần Tin học – Bản đồ Việt Nam (Vietbando) phát triển có giá khoảng 50 USD. Chỉ sau một tháng đưa lên cửa hàng trực tuyến Apple Store, phần mềm Vietbando đã có hơn 20 nghìn lượt tải về. Trước đó, khi đưa lên kho Android Store cũng đã có hơn 70 nghìn lượt người tải về.

Ngoài ra, người dùng vẫn dễ dàng tìm được một phiên bản bản đồ miễn phí có chất lượng cho các thiết bị cầm tay của mình. Với phần mềm Vietbando, không cần phải dùng đến điện thoại thông minh mà chỉ cần loại điện thoại có kết nối được GPRS cũng có thể dùng bản đồ trực tuyến của Vietbando.

Thị trường lớn

Với khoảng 20 nghìn lượt người truy cập mỗi ngày để tra cứu bản đồ, tìm đường, địa điểm, nhưng đến nay Vietbando chưa bán quảng cáo trên website. Sẵn sàng cung cấp phiên bản miễn phí cho điện thoại di động, máy tính bảng… nhưng Vietbando vẫn có nguồn thu của riêng mình.

TS Phan Đạt Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tin học – Bản đồ Việt Nam (Vietbando) tiết lộ: Nguồn thu của công ty có từ nhiều cách. Thông qua website bản đồ số có số lượt người truy cập cao, công ty có thể nắm bắt thông tin về các điểm dịch vụ; phân phối, bán lẻ sản phẩm... để cung cấp cho các công ty trong và ngoài nước muốn đầu tư vào lĩnh vực nào đó.

Gần đây, quy định của Nhà nước bắt buộc các loại xe tải, xe khách phải gắn thiết bị giám sát hành trình, thiết bị dẫn đường đã mở ra một hướng kinh doanh mới cho các đơn vị cung cấp bản đồ. Công ty Vietbando đã nhận được hợp đồng ký kết với Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) để cung cấp bản đồ tích hợp vào thiết bị hộp đen quản lý xe do ICDREC sản xuất. Theo ông Trần Bá Minh Sơn, Phòng kinh doanh của Công ty Vietbando, ngoài ICDREC, công ty cũng đang cung cấp bản đồ cho nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh thiết bị dẫn đường và giám sát hành trình xe.

Trong khi đó, thế mạnh của VIETMAP tích hợp bản đồ số vào thiết bị “hộp đen” nhập từ Trung Quốc để gắn cho xe hơi. Đi cùng với đó, VIETMAP cũng sẽ cung cấp luôn dịch vụ kỹ thuật cho các các đơn vị đã mua thiết bị của mình để các đơn vị này quản lý nhật ký hoạt động của xe.

Còn Công ty Địa Điểm lại có  hướng kinh doanh khác từ bản đồ số của mình. Đó là cung cấp bảng chỉ dẫn nơi đặt văn phòng, phòng giao dịch cho các đơn vị kinh tế, nhất là ngân hàng trên khắp cả nước. Nhờ vậy, khách hàng dễ dàng tìm đến địa chỉ giao dịch của các đơn vị kinh tế ở bất kỳ địa phương nào. “Thị trường, cơ hội kinh doanh của bản đồ số còn rất lớn. Ở bất kỳ lĩnh vực nào, ứng dụng bản đồ số đều mang lại nhiều lợi ích cho cả đơn vị cung cấp và người tiêu thụ”, TS Phan Đạt Phúc nói

Sign up for the newsletter Register