Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước

1/6/2010 - 12:00 AM
“5 năm tới cần hoàn thiện khung pháp lý trong việc chia sẻ thông tin dữ liệu TNN, bộ công cụ chia sẻ dữ liệu TNN và cơ sở vật chất thúc đẩy quá trình chia sẻ TNN”, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai chỉ đạo tại Hội thảo “Hệ thống thông tin về tài nguyên nước” do Trung tâm Thông tin kinh tế TNN (Cục Quản lý TNN) phối hợp với các chuyên gia Đức tổ chức ngày 21 và 22/9.

“5 năm tới cần hoàn thiện khung pháp lý trong việc chia sẻ thông tin dữ liệu TNN, bộ công cụ chia sẻ dữ liệu TNN và cơ sở vật chất thúc đẩy quá trình chia sẻ TNN”, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai chỉ đạo tại Hội thảo “Hệ thống thông tin về tài nguyên nước” do Trung tâm Thông tin kinh tế TNN (Cục Quản lý TNN) phối hợp với các chuyên gia Đức tổ chức ngày 21 và 22/9.

Thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước (TNN) là công cụ quan trọng cho quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quá trình ra quyết định và phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nước ta hiện nay vẫn chưa có hệ thống thông tin dữ liệu về TNN.

Trong buổi làm việc mới đây với Cục Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ TN&MT, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai đã chỉ đạo Cục Quản lý TNN cần phối hợp chặt chẽ với Cục CNTT nhanh chóng xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu TNN. Bởi lẽ hiện nay thông tin, dữ liệu TNN nằm rải rác ở nhiều Bộ, ngành khác nhau, dưới dạng tài liệu hoặc số liệu chưa chuẩn hóa và chỉnh lý theo chuẩn thống nhất. Tại Hội thảo này, các nhà quản lý, các chuyên gia đã bước đầu chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu TNN.

Những thách thức 
Theo TS. Claudia Kunzer, nữ chuyên gia Đức đang tham gia Dự án WISDOM - hỗ trợ Bộ TN&MT xây dựng và phát triển hệ thống thông tin về tài nguyên nước, có không ít thách thức trong việc xây dựng hệ thống này. Đó là, việc thu thập quản lý truy cập thông tin về tài nguyên đất và nước còn rất phân tán. Các dữ liệu của các cơ quan khác nhau còn chưa nhất quán và thiếu trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước. “Hệ thống thông tin, cảnh báo và giám sát chất lượng nước, dự báo lũ, lụt và hạn hán chưa được xây dựng đầy đủ”, TS. Claudia Kunzer nói.

Chính vì vậy, việc xây dựng năng lực cho Dự án WISDOM là hết sức cần thiết. Cụ thể là xây dựng các khóa tập huấn đào tạo về quản lý tri thức, đào tạo trong phòng học đa năng (phòng Lab) về phân tích chất lượng nước. Ngoài ra còn cần các khóa đào tạo về viễn thám, hệ thống thông tin địa lý (GIS), công nghệ thông tin (IT), xây dựng chương trình…
Ông Châu Trần Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Thông tin kinh tế Tài nguyên nước (Cục Quản lý TNN), lại đề cập đến một số thách thức trong quản lý thông tin, dữ liệu TNN. Đó là, thiếu cơ chế chia sẻ thông tin dữ liệu và thiếu cả các quy chế, quy định về lưu trữ, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu; các thông tin dữ liệu còn phân tán chồng chéo và thiếu sự phối hợp, trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan ban ngành, giữa địa phương và Trung ương. Mặt khác, việc giao nộp, lưu trữ để đưa vào khai thác, sử dụng còn rất chậm.

“Thông tin, dữ liệu TNN nằm rải rác ở nhiều Bộ, ngành, cơ quan khác nhau, dưới dạng tài liệu hay số liệu thô chưa chuẩn hóa và chỉnh lý theo chuẩn thống nhất”, ông Vĩnh nói. Nguồn thông tin dữ liệu này rất lớn, có giá trị sử dụng cao và lâu dài. Nhưng cho đến nay kho dữ liệu này chưa được tổ chức thành CSDL do chưa có nền tảng công nghệ thông tin.

Chính vì cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, năng lực về CNTT còn yếu nên chưa đáp ứng được việc triển khai các ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý và khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu TNN.

Ông Trần Kiêm Dũng, Cục CNTT cũng cho rằng, trung tâm CNTT thuộc Sở TN&MT các tỉnh hiện mới chỉ tập trung ứng dụng CNTT cho công tác quản lý đất đai, chưa quan tâm  ứng dụng đúng mức cho các lĩnh vực khác trong ngành. Đó là chưa kể kinh phí dành cho ứng dụng CNTT chưa đáp ứng nhu cầu, các chuẩn về cơ sở hạ tầng, chuẩn dữ liệu chuyên ngành, ứng dụng CNTT chính thức làm cơ sở áp dụng trong toàn ngành đến nay vẫn chưa được xây dựng. Định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường đã được xây dựng và đang trong quá trình lấy ý kiến của các Bộ, Ngành liên quan.

Ba giai đoạn xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu TNN

Đây là kiến nghị của ông Châu Trần Vĩnh. Theo đó, giai đoạn 1 (2010 – 2011), cần xây dựng hệ thống thông tin (HTTT) nhằm kết nối giữa Cục Quản lý TNN, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra TNN, Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam đồng thời kết nối mạng quan trắc động thái nước dưới đất, mạng quan trắc thủy văn. Giai đoạn 2 (2012 – 2013), mở rộng hệ thống kết nối thêm với các đơn vị có liên quan đến TNN như: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn môi trường đồng thời kết nối thêm mạng quan trắc khí tượng, mạng giám sát chất lượng nước. Giai đoạn 3 (2014 – 2015), cần mở rộng hệ thống kết nối Sở TN&MT các tỉnh, các đơn vị khác có liên quan, các mạng quan trắc về TNN của địa phương.

Đề cập tới giải pháp kỹ thuật và công nghệ nhằm xây dựng hệ thống thông tin môi trường nói chung và mô hình HTTT quản lý môi trường lưu vực sông nói riêng, TS. Dương Hoàng Tùng (Tổng cục Môi trường) cho rằng: HTTT quản lý môi trường lưu vực sông là một trong số các HTTT môi trường chuyên ngành hiện đang được Tổng cục Môi trường triển khai.

Hoàn thiện cơ chế chính sách: Đòi hỏi cấp bách.

“Chúng ta cần chuẩn hóa dữ liệu, xây dựng khái niệm, mục đích chung của cả hệ thống thông tin dữ liệu TNN. Cần ưu tiên xây dựng những thông tin dữ liệu đang được các đối tượng quan tâm”, chuyên gia Đức, Tiến sỹ Thilo Wehrmann đề xuất.

“Để tích hợp các HTTT môi trường chuyên ngành vào HTTT môi trường nói chung cần có một chuẩn thống nhất trong toàn hệ thống. Cần thiết lập cơ chế, quy chế hành chính, kỹ thuật đảm bảo cung cấp, chia sẻ thông tin dữ liệu và phân công trách nhiệm cụ thể từ TƯ đến địa phương cho các hệ thống”, TS. Tùng nói. Ngoài ra, để HTTT hoạt động có hiệu quả, cần có kinh phí đảm bảo duy trì và cập nhật thông tin thường xuyên. Cán bộ vận hành cần thường xuyên được đào tạo, học tập nâng cao trình độ để đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định.

Cũng với mục tiêu cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, ông Trần Kiêm Dũng cho biết: Trong năm 2010, Cục CNTT sẽ phối hợp với các đơn vị đầu mối thông tin các lĩnh vực và địa phương xây dựng các văn bản pháp quy. Đó là, quy chế cung cấp dữ liệu, xây dựng, quản lý, cập nhật, khai thác và bảo trì CSDL tài nguyên và môi trường Quốc gia, quy trình kỹ thuật xây dựng danh mục CSDL TN&MT, quy chế lập, thực hiện, kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm các dự án ứng dụng CNTT trong ngành TN&MT, quy chế thẩm định và khuyến nghị sử dụng các sản phẩm phần mềm ứng dụng trong ngành TN&MT.

Đồng thời cũng trong năm 2010, 4 văn bản pháp quy sẽ được xây dựng như: Thông tư liên tịch (TTLT) Bộ TN&MT - Bộ Tài chính quy định đơn giá cung cấp dữ liệu trong CSDL TN&MT; TTLT Bộ TN&MT - Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT) quy định về tính pháp lý CSDL TN&MT; TTLT Bộ TN&MT - Bộ TTTT quy định sử dụng chữ ký điện tử trong ngành TN&MT; Thông tư hướng dẫn cơ cấu tổ chức và hoạt động của các Trung tâm CNTT trực thuộc Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ.

Những ý kiến, tham luận đóng góp tại hội thảo này bước đầu cho thấy để xây dựng được hệ thống thông tin dữ liệu TNN có rất nhiều vấn đề được đề cập đến. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, việc hoàn thiện văn bản pháp luật là công việc đầu tiên phải làm ngay.

Theo: http://www.monre.gov.vn

Sign up for the newsletter Register