Người dân có thể tra cứu nhiều loại bản đồ trên trang web

1/10/2011 - 12:00 AM
Để tiện cho người dân tra cứu bản đồ hành chính, địa hình... Việt Nam ở nhiều tỷ lệ khác nhau, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã xây dựng đề án đưa bản đồ lên trang web. Đến nay, Cục đã hoàn thành giai đoạn đầu việc xây dựng trang web về bản đồ trực tuyến Việt Nam. Từ nay đến cuối năm, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trang web sẽ chính thức được công khai trên mạng Internet.

          Để tiện cho người dân tra cứu bản đồ hành chính, địa hình... Việt Nam ở nhiều tỷ lệ khác nhau, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã xây dựng đề án đưa bản đồ lên trang web. Đến nay, Cục đã hoàn thành giai đoạn đầu việc xây dựng trang web về bản đồ trực tuyến Việt Nam. Từ nay đến cuối năm, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trang web sẽ chính thức được công khai trên mạng Internet.

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT xung quanh việc xây dựng bản đồ trực tuyến chính thống của Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Hùng (ảnh), Cục trưởng Cục Đo đạc Bản đồ Việt Nam cho biết:
 

          Khái niệm trực tuyến hiện nay phần lớn được hiểu là các thông tin được đăng tải trên mạng Internet, nhưng nếu gắn toàn bộ các loại bản đồ của Việt Nam xuất hiện trên Internet là "bản đồ trực tuyến Việt Nam" thì chưa hoàn toàn đúng vì chỉ có những bản đồ có đầy đủ tính pháp lý do các cơ quan Nhà nước, các tổ chức có trách nhiệm, các cơ quan có đăng ký hoạt động trong lĩnh vực này đăng tải thì mới có thể xem là "bản đồ trực tuyến Việt Nam".

Thưa Cục trưởng, được biết, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam là đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng và đưa bản đồ lên trang web. Ông có thể cho độc giả biết đôi nét về vấn đề này?

- Để phục vụ công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sử dụng của cộng đồng và nâng cao dân trí đặc biệt là tuyên truyền về chủ quyền quốc gia đến cộng đồng quốc tế nói chung và cộng đồng người Việt Nam nói riêng, ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện xây dựng và cung cấp hạ tầng thông tin địa lý với nhiều dạng sản phẩm khác nhau cho người sử dụng, trong đó bản đồ trực tuyến là một dạng của cơ sở hạ tầng thông tin địa lý này. Việc phát hành, cung cấp các loại sản phẩm phải được thực hiện theo pháp luật về xuất bản, đo đạc bản đồ.

Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn đầu và sẽ tiếp tục cập nhật việc xây dựng trang web về bản đồ trực tuyến Việt Nam. Trên đó, sẽ công bố các bản đồ Việt Nam với nhiều loại tỷ lệ khác nhau. Trang web đăng tải bản đồ trực tuyến do Cục xây dựng sẽ được phát hành trên mạng sau khi được phê duyệt chính thức. Tổ chức, cá nhân cũng như người dân có nhu cầu tra cứu bản đồ chính thống của Việt Nam có thể vào trang web này.

Bản đồ trực tuyến Việt Nam sẽ thể hiện chi tiết đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, địa giới hành chính, địa danh hành chính... Hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa được thể hiện với ghi chú rõ ràng là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ hướng dẫn người sử dụng trang web của Cục liên kết với các trang web chính thức của các cơ quan Nhà nước để có thông tin chi tiết hơn về lịch sử hình thành và phát triển của đất nước.

Ông đánh giá như thế nào về việc tuyên truyền chủ quyền quốc gia thông qua bản đồ nói chung và với bản đồ trực tuyến nói riêng. Và với cách đó, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã và sẽ làm những việc gì?

- Với trình độ khoa học và công nghệ hiện nay việc tuyên truyền chủ quyền quốc gia thông qua bản đồ nói chung và với bản đồ trực tuyến nói riêng là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa rất lớn. Với những ưu thế về truyền đạt thông tin qua hình ảnh trực quan của bản đồ và lợi thế của công nghệ thông tin, bản đồ nói chung và bản đồ trực tuyến nói riêng sẽ đến được với nhiều người sử dụng trong nước và nước ngoài hơn, do đó sẽ góp phần đắc lực hơn trong việc nâng cao hiểu biết về địa lý quốc gia nói chung, chủ quyền quốc gia nói riêng. Thông qua đó, người dân Việt Nam nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung sẽ có cách nhìn nhận, hiểu đúng và đầy đủ về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.

Từ trước tới nay, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã tiến hành công tác tuyên truyền về chủ quyền quốc gia bằng nhiều hình thức. Tháng 3 năm 2007, bản đồ tỷ lệ 1/1.000.000 của Việt Nam do Cục Đo đạc và Bản đồ cung cấp đã được công bố rộng rãi trên thế giới thông qua chương trình bản đồ toàn cầu do Ủy ban Điều hành quốc tế về bản đồ toàn cầu chủ trì (đăng tải tại website http://www.iscgm.org) và bản đồ này cũng được Cục cập nhật thường xuyên. Cũng cần nói thêm rằng Việt Nam là một trong số các quốc gia tham gia và cung cấp tài liệu sớm nhất cho tổ chức này.

          Ngoài ra, Cục cũng đã cung cấp cho các cơ quan có nhu cầu sử dụng dữ liệu bản đồ nước CHXHCN Việt Nam để in trong một số tài liệu phục vụ phổ biến, tuyên truyền và đăng tải trên website; gửi Tổ chức Địa danh Quốc tế danh mục đại địa danh Việt Nam và quốc tế (trong đó khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và được ghi bằng tiếng Việt Nam); xuất bản, phát hành 500.000 tờ bản đồ nước CHXHCN Việt Nam và đã chuyển cho Bộ Ngoại giao để cung cấp cho các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài phục vụ công tác phổ biến, tuyên truyền về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải nước CHXHCN Việt Nam...

 Xin trân trọng cám ơn Cục trưởng! 

 

Đăng ký nhận bản tin Register