024.37736978
093.528.8889

Cơ sở dữ liệu đất đai

4/12/2017 - 12:00 AM
Cơ sở dữ liệu đất đai: là tập hợp thông tin có cấu trúc của dữ liệu địa chính, dữ liệu quy hoạch sử dụng đất, dữ liệu giá đất, dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thường xuyên bằng phương tiện điện tử.
          Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 179/2004/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) tài nguyên và môi trường đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Trong Quyết định đã đưa ra 4 mục tiêu chủ yếu và 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường nói chung và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nói riêng là một trong các nhiệm vụ cơ bản nhất.
          Cơ sở dữ liệu đất đai: là tập hợp thông tin có cấu trúc của dữ liệu địa chính, dữ liệu quy hoạch sử dụng đất, dữ liệu giá đất, dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thường xuyên bằng phương tiện điện tử. Cơ sở dữ liệu địa chính là thành phần cơ bản của cơ sở dữ liệu đất đai, làm cơ sở để xây dựng và định vị không gian các cơ sở dữ liệu thành phần khác.
           Việc ứng dụng công nghệ hiện đại để thu thập, lưu trữ, xử lý, tích hợp và cung cấp dữ liệu đất đai ở dạng số đã được bắt đầu từ những năm 1990 khi công nghệ đo đạc chuyển từ công nghệ Analog, với các máy đo quang cơ sang công nghệ số (digital) với việc ứng dụng công nghệ GPS và toàn đạc điện tử, ảnh hàng không và ảnh viễn thám dạng số.  Để bảo đảm việc tích hợp dữ liệu đồ họa về thửa đất với dữ liệu thuộc tính về chủ sử dụng và hiện trạng sử dụng đất các nhà nghiên cứu, quản lý và sản xuất tại Trung ương và địa phương đã kế thừa thành tựu của các hãng phần mềm lớn trên thế giới cho ra đời hàng loạt phần mềm nội địa nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính số như: FAMIS & CaDDB, CICAD& CIDATA, CILIS, PLIS và sau này là ELIS, VILIS, eKLIS, VNLIS...
           Trong những năm đầu của Thế ký 21 việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính số đã được các tỉnh chú trọng đầu tư thích đáng, như Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính số tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh: Bình Dương, Long An, An Giang, Đồng Nai, Bình Thuận, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định... Nhiều chương trình dự án về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đã được triển khai ở cấp Trung ương. Các dự án điển hình là xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm kê đất đai từ năm 2000, 2010 đến năm 2015 (Sản phẩm phần mềm của dự án này đã được sử dụng trên phạm vi toàn quốc với nhiều lần chỉnh sửa phù hợp với hệ thống mẫu biểu thống kê. Đến thời điểm kiểm kê đất đai 2015, toàn bộ các địa phương đã sử dụng phần mềm TK05 để nhập, tổng hợp cơ sở dữ liệu kiểm kê đất đai nộp về Bộ), dự án xây dựng hệ thống thông tin đất đai và môi trường đã xây dựng hệ thống ELIS, dự án xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp tài nguyên và môi trường và một số dự án khác. Trong quá trình triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu số chúng ta cũng đã nhận được sự giúp đỡ rất có hiệu quả của các tổ chức Quốc tế như Chương trình CPLAR và Chương trình SEMLA của Thụy Điển, Chương trình nâng cấp đô thị do Hiệp hội các đô thị Việt Nam và Hiệp hội đô thị Canada thực hiện. Một giải pháp đồng bộ cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính số đã được đề cập trong dự án "Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam" (tiếng Anh là Vietnam Land Administration Project - viết tắt VLAP) do Ngân hàng thế giới tài trợ với tổng kinh phí (cả vốn vay và vốn đối ứng) lên tới 100 triệu USD nhằm tăng cường sự tiếp cận của mọi đối tượng đối với dịch vụ thông tin đất đai qua việc phát triển một hệ thống quản lý đất đai hoàn thiện ở các địa phương. VLAP được xây dựng trên cơ sở công khai, minh bạch, chính xác, đầy đủ, kịp thời về đăng ký đất đai, thông tin đất đai (bản đồ địa chính và hồ sơ địa chính), chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm đáp ứng mọi nhu cầu về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất, đồng thời đáp ứng mọi nhu cầu thông tin của cộng đồng.
            Đối với Nhà xuất bản Tài nguyên – Môi trường và Bản đồ Việt Nam, bài toán quản lý đất đai bằng công nghệ thông tin cũng được giải từ những năm 2005, thông qua các dự án với địa phương về công tác xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm kê đất đai định kỳ 5 năm một lần của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự án xây dựng bản đồ nền cơ sở đất đai thành phố Hà Nội (giai đoạn 1) với Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai huyện Phú Vang – tỉnh Thừa Thiên Huế…
            Nhìn chung những kết quả đạt được là đáng khích lệ và đã đáp ứng được những đòi hỏi cấp bách của các địa phương trong công tác đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất, góp phần không nhỏ trong việc bình ổn xã hội, làm tăng thu cho ngân sách thông qua việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính về đất đai.
            Tuy nhiên, cở dữ liệu đất đai hiện nay mới chỉ giới hạn phục vụ trong ngành tài nguyên môi trường là chủ yếu và cũng chủ yếu do ngành tài nguyên và môi trường xây dựng. Chính vì lẽ đó hiệu quả chưa cao và đôi khi dẫn đến lãng phí trong đầu tư do đầu tư chồng chéo và thiếu chia sẻ thông tin. Trong tương lai, để hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, Nhà xuất bản đang hướng đến giải pháp xây dựng một cơ sở dữ liệu đất đai đa mục tiêu, đa người sử dụng và do nhiều cơ quan cùng tham gia xây dựng. 
Đăng ký nhận bản tin Register