TỔNG HỢP THÔNG TIN BÁO CHÍ PHẢN ÁNH VỀ NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG (01/02/2025-07/02/2025)

10/02/2025

 

THÔNG TIN ĐÁNG LƯU Ý TRONG TUẦN

Tuần đầu tháng 2/2025, thông tin về các lĩnh vực của ngành Tài nguyên và Môi trường trên báo chí khá sôi động. Bộ phận Điểm tin ghi nhận 245 tin trên các báo phản ánh các nội dung về quản lý, chính sách và hiện trạng về TN&MT trên cả nước. Nổi bật trên báo chí tuần qua là chia sẻ của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ về các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm nay. Đáng chú ý, ngay từ những ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên Đán, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025; Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ; tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây; làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai nhằm tháo gỡ khó khăn về vật liệu thi công các dự án giao thông trọng điểm phía Nam....

THÔNG TIN NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”

Tết trồng cây là hoạt động được hưởng ứng rộng rãi trong tuần đầu tiên của năm mới Ất Tỵ. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham gia hoạt động trồng cây tại nhiều địa phương. Đó là, Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ phát động Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ năm 2025 tại Hưng Yên ngày 5/2; Chủ tịch nước Lương Cường dự lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại tỉnh Lạng Sơn ngày 5/2; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Lễ phát động Tết trồng cây tại tỉnh Quảng Ninh ngày 7/2.

Trước đó, sáng 4/2, Bộ TN&MT phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, đồng thời đây là hoạt động hưởng ứng Ngày đất ngập nước thế giới (2/2) tại Khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy (Thái Bình). Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh cần: Nhân rộng “lá phổi” ven biển, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Bộ trưởng kêu gọi tích cực tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng bảo vệ môi trường chung tay bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Hàng loạt địa phương trên cả nước tổ chức tết trồng cây nhằm hy vọng về một tương lai xanh.

2. Chia sẻ của lãnh đạo Bộ và các đơn vị với báo chí dịp đầu Xuân

6 nhiệm vụ trọng tâm của Ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2025; Môi trường là tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả, tính bền vững của kinh tế - xã hội; Quyết sách về tài nguyên, môi trường: Vững “nền móng” cùng đất nước vươn mình. Đó là các nội dung được Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy chia sẻ với báo chí dịp đầu Xuân Ất Tỵ.

Bộ trưởng nhấn mạnh, năm nay nhiệm vụ trọng tâm của ngành là quyết tâm hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đi đôi với kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đi đôi với tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách tạo sự đột phá thúc đẩy giải phóng nguồn lực tài nguyên, phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Cùng đó, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển tài nguyên số ngành TN&MT. Toàn ngành sẽ đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2025 và cả nhiệm kỳ.

Đề cập giải pháp nâng cao hiệu lực thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tài nguyên và môi trường năm 2025, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, Thanh tra Bộ TN&MT tiếp tục nghiên cứu định hướng xử lý các vướng mắc, tồn tại và khẳng định công tác thanh tra, kiểm tra rất quan trọng. Thanh tra Bộ phối hợp cùng Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai rà soát, thống nhất phương án sắp xếp phòng ban, nhân sự. Xây dựng kế hoạch và triển khai bảo đảm chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đồng thời khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện về tài nguyên và môi trường như: Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước... Mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát các đoàn thanh tra, kiểm tra bảo đảm các cuộc thanh tra, kiểm tra có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ...

Năm 2025 được nhiều chuyên gia dự báo là một năm đột phá của ngành Quản lý đất đai. Chia sẻ về nội dung này, ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất nhấn mạnh: Gỡ vướng pháp lý dự án, giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai với chi phí hợp lý; Tháo gỡ 'điểm nghẽn', khơi thông nguồn lực đất đai. PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho hay: Ưu tiên hàng đầu trong năm 2025 là tháo gỡ vướng mắc pháp lý dự án và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai.

TS. Nguyễn Trường Giang, Cục trưởng Cục Khoáng sản khẳng định, sẵn sàng đưa Luật Địa chất và khoáng sản vào cuộc sống. TS.Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV đề cập việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai...

3. Bộ TN&MT triển khai nhiều hoạt động từ những ngày đầu Xuân

Ngay trong ngày làm việc đầu Xuân sau dịp nghỉ Tết Nguyên Đán, sáng 3/2, Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm đầu năm dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy. Giao nhiệm vụ cho các đơn vị, Bộ trưởng nhấn mạnh, tháng 2 và Quý I/2025, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung vào công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; Tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển tài nguyên số. Đặc biệt, quyết tâm cao, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành Hệ thống thông tin đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu đất đai theo chuẩn thống nhất trên phạm vi cả nước gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Bộ trưởng Bộ TN&MT kí Quyết định 166/QĐ-BTNMT ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025. Theo đó, Bộ TN&MT xác định 12 nhiệm vụ cụ thể, với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành.

Báo cáo tình hình thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (KTNN) về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2023 và chuyên đề việc quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý giai đoạn 2020-2023, Bộ TN&MT khẳng định thực hiện gần 100% kiến nghị xử lý tài chính của KTNN.

Tuần qua, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy Đoàn công tác của Bộ làm việc với UBND tỉnh Thái Bình về công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường; Đồng Nai cùng Bộ TN&MT họp khẩn để giải quyết các khó khăn, vướng mắc cũng như thống nhất giải pháp thực hiện cấp giấy phép khai thác vật liệu xây dựng phục vụ thi công các dự án giao thông trọng điểm phía Nam.

Cũng trong tuần qua, các Thứ trưởng đã chủ trì các buổi làm việc về đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; Tập trung nguồn lực đưa Luật Địa chất và Khoáng sản vào cuộc sống, đảm bảo thi hành từ ngày 1/7.

Về phương án sáp nhập Bộ TN&MT với Bộ NN&PTNT, Dự thảo mới nhất Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ còn 30 đơn vị sau hợp nhất. Chủ trì cuộc làm việc về nội dung này, chiều 4/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu rà soát kỹ lĩnh vực quản lý, đảm bảo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải cập nhật quy định, ý tưởng quản lý mới

Lĩnh vực Đất đai

4. Luật Đất đai 2024 và những thách thức khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất

Nhận định về chính sách đất đai hiện nay, GS.Đặng Hùng Võ phân tích, cơ hội mở ra vẫn là "trên lý thuyết" - Luật Đất đai 2024 và những thách thức khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất. Ba vấn đề đáng quan tâm là: định giá đất sao cho hợp lý, phản ánh đúng giá trị thị trường song cũng phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân và doanh nghiệp; biến giá trị đất đai thành nguồn lực thực sự cho phát triển hạ tầng và minh bạch trong quá trình khai thác và phân bổ nguồn lực từ đất.

5. Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên thông qua định giá đất

Cùng đó, giá đất tiếp tục là từ khóa “hot”! PGS- TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên thông qua định giá đất, Bộ TN&MT cần hướng dẫn các địa phương quy định cụ thể, chi tiết hơn giá của từng loại đất trong nhóm đất "sản xuất kinh doanh không phải là đất thương mại dịch vụ" đúng theo nguyên tắc "bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư", phù hợp với khả năng sinh lời của đất đai thay vì gộp chung các loại đất trong nhóm này để áp một mức giá chung. Với các loại đất không tạo ra giá trị sinh lời cao mà hướng đến phục vụ cộng đồng nhiều hơn, ông Thịnh đề xuất xem xét giảm, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho doanh nghiệp.

PGS.TS. Ngô Thị Phương Thảo, Trưởng khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thì cho rằng, xây dựng bảng giá đất mới: Cần hiểu và áp dụng đúng nguyên tắc "giá trị thị trường" thay vì dựa vào giá cả thị trường. Vị chuyên gia cho rằng, việc hiểu và vận dụng "nguyên tắc thị trường" để xây dựng bảng giá đất mới đặt chính quyền các địa phương vào tình thế chịu áp lực lớn nhất. Bởi lẽ, chính quyền các cấp vừa phải đảm bảo tính chính xác, minh bạch của bảng giá đất, vừa phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Đặc biệt, phải cân đối để không ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp và việc thu hút đầu tư vào địa phương.

Lĩnh vực Tài nguyên nước

6. Các giải pháp cấp bách xử lý ô nhiễm môi trường nước ở lưu vực sông

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị số 2/CT-TTg ngày 24/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách xử lý ô nhiễm môi trường nước ở lưu vực sông. Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổng hợp danh mục các nguồn thải có lưu lượng xả nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên vào các lưu vực sông cần được kiểm soát chặt chẽ; Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở do Bộ cấp phép môi trường và xử lý vi phạm theo quy định; tổng hợp kết quả công tác thanh tra, kiểm tra trên các lưu vực sông. Tại Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu xem xét xử lý hình sự với các hành vi cố tình xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Xung quanh vấn đề này, GS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, hiện nay, trách nhiệm việc quản lý các dòng sông chưa được rõ ràng. Do đó, truy tìm thủ phạm bức tử các dòng sông: sáp nhập bộ ngành là lời giải, cụ thể là sáp nhập Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT.

Trước đó, Bộ TN&MT công bố kịch bản nguồn nước lần đầu trên 6 lưu vực sông (Bằng Giang - Kỳ Cùng; Mã; Hương; Sê San; Srêpôk; Đồng Nai). Đáng chú ý, theo kịch bản, một số khu vực ở 6 lưu vực sông có thể thiếu nước cục bộ.

7. Chính phủ đồng ý cho Hà Nội hồi sinh sông Tô Lịch theo trình tự khẩn cấp

Vấn đề khác, Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc đầu tư xây dựng công trình bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch. Chính phủ đồng ý cho Hà Nội hồi sinh sông Tô Lịch theo trình tự khẩn cấp. Thực hiện chỉ đạo này, ngày 4/2, UBND Tp Hà Nội đã tổ chức buổi họp nghe báo cáo về phương án bổ cập nước vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường. Kết thúc buổi họp, Chủ tịch TP Hà Nội "chốt" 2 giai đoạn bổ cập nước "hồi sinh" sông Tô Lịch. Theo đó, người đứng đầu chính quyền Thủ đô yêu cầu các đơn vị liên quan thu gom triệt để nước thải đổ vào sông Tô Lịch. Trước mắt, Chủ tịch UBND Tp yêu cầu khẩn trương lấy nước sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch. Về lâu dài, nghiên cứu xây dựng đập dâng cứu sông Tô Lịch.

Lĩnh vực Môi trường

8.  Phân loại rác: Người dân chưa quen, chính quyền chưa quyết liệt

Tuần qua, báo chí đăng tải rộng rãi thông tin: từ 3.2, rác không phân loại có thể bị từ chối tiếp nhận. Đây là một trong những quy định tại Thông tư số 35/2024/TT- BTNMT về quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt vừa được Bộ TN&MT ban hành.

Tuy nhiên, phản ánh từ nhiều địa phương như Hà Hội, Tp HCM hay Bình Dương cho thấy, quy định trên chưa dễ thực thi. Bởi phân loại rác: Người dân chưa quen, chính quyền chưa quyết liệt. Tại nhiều khu vực không có thùng đựng, người dân loay hoay với phân loại rác; Công nhân gặp khó khi thực hiện phân loại rác vì thiếu nhân lực, công cụ...

Đã được luật hoá, vì sao nhiều nơi vẫn chưa thể phân loại rác tại nguồn? PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Viện trưởng Viện Khoa học và môi trường (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng Luật BVMT đã có hiệu lực nhưng chưa đi vào cuộc sống thì cần phải xem xét đang có vấn đề chỗ nào, việc ban hành các văn bản dưới Luật đã phù hợp chưa. Vị chuyên gia cho rằng, việc thực hiện phân loại rác cũng nên theo từng cấp độ.

Lĩnh vực Biển và Hải đảo

9.  Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021­2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch đưa ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030, bao gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; triển khai phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên và phát triển các ngành kinh tế biển ở vùng bờ; điều tra, đánh giá tài nguyên vùng bờ phục vụ nhu cầu bảo tồn và phát triển kinh tế-xã hội; hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở vùng bờ; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường phát triển nguồn nhân lực...

Dưới góc độ chuyên gia, các nhà khoa học lĩnh vực môi trường biển nhấn mạnh, để nâng cao hiệu lực quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, cần bổ sung quy định về bảo vệ vùng bờ, để phù hợp với phân vùng sử dụng trong Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cần sửa đổi, bổ sung để quy định cụ thể về nội dung và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc kiểm soát nguồn ô nhiễm từ đất liền và sự tham gia phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan cần được quy định chặt chẽ để công tác bảo vệ môi trường biển do nguồn ô nhiễm từ đất liền được kiểm soát hiệu quả.

Ở cấp địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký Giấy phép số 17/GP- UBND cho phép nhận chìm 500.000m3 chất nạo vét ở biển thị xã Nghi Sơn. Cụ thể, cho phép Công ty TNHH Công nghiệp Long Sơn được nhận chìm chất nạo vét Dự án nạo vét vũng quay trở tàu, luồng nhánh và khu neo đậu phục vụ cho Cảng tổng hợp Long Sơn. Theo giấy phép, chất nạo vét không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Lĩnh vực Biến đổi khí hậu

 10. Sẽ vận hành thí điểm thị trường tín chỉ carbon từ tháng 6/2025

Thông tin quan trọng: Thủ tướng phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam đặt mục tiêu đến trước tháng 6/2025 từng bước xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi tín chỉ carbon. Theo Đề án, Việt Nam sẽ vận hành thí điểm thị trường tín chỉ carbon từ tháng 6/2025; chính thức vận hành sàn giao dịch carbon tại Việt Nam từ 2029.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LƯU Ý

1. Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi, dự báo, cảnh báo thiên tai, kịp thời cung cấp thông tin phục vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất nông nghiệp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động xác định giá đất, ban hành bảng giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành Kế hoạch triển khai thi hành, tổ chức thực hiện Luật Địa chất và Khoáng sản. Sớm hoàn thiện, đưa vào vận hành hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai...

2. Thực hiện Chỉ thị số 2/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách xử lý ô nhiễm môi trường nước ở lưu vực sông. Bộ TN&MT được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổng hợp danh mục các nguồn thải; Rà soát mạng lưới các điểm quan trắc, bổ sung các điểm, trạm quan trắc tại vị trí đặc biệt ô nhiễm.

3. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà 3 bộ vào cuộc ngay để "hồi sinh" sông Tô Lịch; chủ động phối hợp, hướng dẫn và hỗ trợ Hà Nội sớm hoàn thiện các thủ tục liên quan đến đê điều, xây dựng, tài nguyên nước, môi trường...

4. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc lồng ghép rút gọn thủ tục giao khu vực biển../.

Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp