THÔNG TIN ĐÁNG LƯU Ý TRONG TUẦN
Tuần qua, ghi nhận hơn 220 tin trên các báo phản ánh các nội dung về quản lý, chính sách và hiện trạng về TN&MT trên cả nước.
Nổi bật tuần qua gồm các thông tin về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; thực hiện Luật Đất đai 2024; các chính sách về môi trường; tháo gỡ “điểm nghẽn” vật liệu xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia ở Đồng Nai...
THÔNG TIN NỔI BẬT TRONG TUẦN
1. Nên mở rộng đối tượng, phạm vi tham vấn chính sách
Nhiều báo phản ánh thông tin Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); trong đó có phát biểu của Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy. Bộ trưởng cho biết, sẽ đề xuất Chính phủ tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội về việc tổ chức hội nghị tham vấn chính sách nên do cơ quan lập đề xuất chủ trì. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng, phạm vi tham vấn chính sách. Đối với ý kiến đề nghị mỗi Bộ nên xây dựng một luật thay vì làm quá nhiều luật như hiện nay, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết: Theo tinh thần sắp xếp tổ chức bộ máy “Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực”. Theo Bộ trưởng, Chính phủ đã tính toán, ngoài việc ban hành các luật có tính chất quản lý chuyên sâu, chuyên ngành thì cũng mở rộng hơn phạm vi để xây dựng các luật quản lý có tính chất đa ngành chỉ áp dụng trên một phạm vi địa bàn nhất định.
2. Chính phủ yêu cầu từ 1/3, các bộ ngành hoạt động theo tổ chức bộ máy mới
Theo báo chí, nêu nhiệm vụ trình ban hành các nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ ngành trước 15/2, Chính phủ yêu cầu từ 1/3, các bộ ngành hoạt động theo tổ chức bộ máy mới.
Lĩnh vực Đất đai
3. Sổ đỏ mới quá nhỏ, lo ngại phải đổi sổ thường xuyên - Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định sổ đỏ mới có nhiều ưu điểm
Thực hiện Luật Đất đai 2024, ghi nhận của truyền thông sổ đỏ mới quá nhỏ, lo ngại phải đổi sổ thường xuyên. Lo ngại được phóng viên ghi nhận tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính một số quận tại TP.HCM. Tuy nhiên, một lãnh đạo của Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận Gò Vấp, cho biết, hiện nay việc cấp sổ hồng theo mẫu mới chưa gặp khó khăn vướng mắc. Trao đổi với báo chí, bà Phạm Thị Thịnh - trưởng Phòng đăng ký đất đai, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định sổ đỏ mới được thiết kế in trên khổ giấy A4 có nhiều ưu điểm như gọn gàng, dễ bảo quản, tránh bị gập trong quá trình sử dụng, trong khi đó vẫn thể hiện được những thông tin cơ bản, rõ ràng. Cán bộ trực tiếp làm công tác cấp sổ đỏ cần phải nghiên cứu những nội dung mà Bộ TNMT, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai đã tập huấn về nội dung in sổ đỏ, mã QR, thể hiện phần biến động. Còn người dân chỉ cần sử dụng các phần mềm đọc QR là có thể biết được các thông tin chi tiết về người sử dụng đất, thửa đất, tài sản gắn liền với đất... Tại Hà Nội, ông Phạm Văn Tình - Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội cho biết: được sự hỗ trợ của Bộ TN&MT và Sở TN&MT Hà Nội, Văn phòng đã triển khai in đồng loạt giấy chứng nhận gắn mã QR trên 28 Chi nhánh và Văn phòng trung tâm. Văn phòng đã chuẩn bị phôi giấy cấp cho 30 quận, huyện theo chỉ đạo của Sở TN&MT. Từ đầu năm 2025 đến nay, trong vòng 1 tháng, Hà Nội: Cấp 11.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn mã QR. Công việc in và cấp Giấy Chứng nhận gắn mã QR diễn ra thuận lợi.
4. Một số vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Đất đai tại TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Hòa Bình
UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ TN&MT về tình hình tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai và các nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đất đai trên địa bàn TPHCM. Theo đó, 3 nội dung TPHCM không ban hành văn bản thi hành Luật Đất đai do đã có quy định hoặc trùng quy định với các Luật khác.
Ghi nhận sau một năm triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2024 tại Hòa Bình gặp một số khó khăn, trong đó phải kể đến khối lượng công việc lớn. Trong khi đó, số lượng công chức chuyên môn trong lĩnh vực đất đai chưa đáp ứng đủ.
5. Thị trường bất động sản có độ trễ để “ngấm” Luật Đất đai 2024
Tại một cuộc tọa đàm nội dung đánh giá về thị trưởng bất động sản thời gian tới, ông Lê Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ đất đai (Bộ TN&MT) đưa ra nhiều nhận định; trong đó cho rằng, Thị trường bất động sản có độ trễ để “ngấm” Luật Đất đai 2024. 2-4 năm nữa, thị trường mới có sản phẩm mới được sinh ra từ Luật Đất đai 2024. Về nỗi lo đầu cơ khi đất nông nghiệp khi giá tăng, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai cũng nhận định "không lo”. Khi đất nông nghiệp tăng giá, người dân có thế sử dụng lợi thế đất đai, chăm lo, vun vén cho thửa ruộng của mình một cách tốt hơn. Còn nỗi lo về đầu cơ khi giá đất nông nghiệp tăng chỉ là nhỏ, vì đã có quy định rất chặt chẽ.
Cũng về chính sách đất đai, dư luận cho hay, Thị trường bất động sản TP.HCM chuyển hướng tích cực sau khi có bảng giá đất mới. TP.HCM chính thức ban hành bảng giá đất mới đã giảm thiểu tranh chấp trong giải phóng mặt bằng để thúc đẩy tiến độ cho các dự án hạ tầng bị trì hoãn. Bảng giá đất mới cũng tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng xác định chi phí và tính toán lợi nhuận.
Cung cấp thông tin về quá trình tổ chức đấu giá khoảng 4,4 ha đất để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng thuộc khu đô thị Nam hồ Linh Đàm (P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai), lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội và Trung tâm Phát triển quỹ đất Q.Hoàng Mai, Hà Nội lý giải việc không dùng bảng giá mới. Ông Lê Thanh Nam, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội lý giải rằng việc tiếp tục đấu giá khoảng 4,4 ha đất dựa trên bảng giá đất cũ mà không áp dụng bảng giá mới là vì "quy định chuyển tiếp cho phép những quyết định đã được thành phố duyệt rồi thì làm bình thường".
Tại Quảng Trị, UBND tỉnh đã tổ chức lễ công bố và trao quyết định thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị.
Lĩnh vực Tài nguyên nước
6. Bổ cập nước “cứu” sông Tô Lịch
Theo báo chí, việc Hà Nội đang khẩn trương triển khai phương án bổ cập nước "cứu" sông Tô Lịch hứa hẹn một tương lai tươi sáng hơn cho dòng sông này. Tuy nhiên, hành trình “cứu sống” sông Tô Lịch không chỉ dừng lại ở việc đưa nước sạch vào, mà còn phải giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm, trong đó, nước thải chính là nút thắt quan trọng nhất. Các chuyên gia khuyến nghị cần có một chiến lược tổng thể. Gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã có ý kiến chỉ đạo Hà Nội nghiên cứu, chứ chưa chốt cứng phương án cụ thể. Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Hà Nội cũng đã có ý kiến chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu song song các phương án, chứ chưa chốt cứng.
Xung quanh vấn đề này, GS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, hiện nay, trách nhiệm việc quản lý các dòng sông chưa được rõ ràng. Do đó, truy tìm thủ phạm bức tử các dòng sông: sáp nhập bộ ngành là lời giải, cụ thể là sáp nhập Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT.
Trước đó, Bộ TN&MT công bố kịch bản nguồn nước lần đầu trên 6 lưu vực sông (Bằng Giang - Kỳ Cùng; Mã; Hương; Sê San; Srêpôk; Đồng Nai). Đáng chú ý, theo kịch bản, một số khu vực ở 6 lưu vực sông có thể thiếu nước cục bộ.
Lĩnh vực Môi trường
7. Thẩm định ngay báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong tháng 02/2025
Tuần qua, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo số 35/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ TN&MT chịu trách nhiệm Thẩm định ngay báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong tháng 02/2025.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định về chủ trương đầu tư dự án đầu tư Xây dựng khu công nghiệp hơn 3.700 tỷ đồng ở Bắc Giang. Bộ TN&MT chịu trách nhiệm thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Bộ cũng vừa công khai tham vấn cộng đồng Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng cho dây chuyền 2 Nhà máy xi măng Duyên Hà (TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) với nội dung đáng chú ý là chuyển đổi 38ha rừng phòng hộ tự nhiên để sản xuất xi măng.
8. Vẫn còn doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt vi phạm về môi trường
Về quản lý môi trường, báo chí ghi nhận thực trạng tại TP.HCM vẫn còn doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt để vi phạm về môi trường sau khi Nghị định 45/2022 của Chính phủ có hiệu lực. TP.HCM nêu nhiều bất cập trong xử phạt hành chính lĩnh vực môi trường. UBND TP.HCM cho rằng, một số mức phạt hành chính trong bảo vệ môi trường là quá cao có thể gây khó khăn trong việc thực hiện quyết định xử phạt, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ.Nhiều quy định...bất khả thi. Điển hình, quy định biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc di dời dự án, cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường”. Trong khi đó, hiện nay Quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường chưa được ban hành nên việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này là chưa thể áp dụng...
9. Hà Nội, TP.HCM: Tiếp tục ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Điểm nóng ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TP.HCM tiếp tục diễn ra. Liên quan vấn đề này, cuối năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho hay tình trạng ô nhiễm không khí đã gia tăng ở mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm trở lại đây ở một số đô thị như Hà Nội, TP.HCM. Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ với chính quyền địa phương (ngày 8-1-2025), Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết: Năm 2025, Chính phủ sẽ xây dựng đề án khắc phục ô nhiễm không khí ở các đô thị.
10. Một số chính sách quan trọng về môi trường
Chính sách quan trọng trong lĩnh vực môi trường là Bộ TN&MT chính thức có bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường. Đồng thời, Bộ đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư hướng dẫn kỹ thuật về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải và phục hồi môi trường sau sự cố chất thải; Ưu tiên cao nhất ứng cứu người, sơ tán người dân ra khỏi khu vực bị sự cố chất thải. Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường Kiểm soát môi trường với tàu biển cũ nhập khẩu để phá dỡ.
Lĩnh vực Địa chất - Khoáng sản
11. Tháo gỡ “điểm nghẽn” vật liệu xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia ở Đồng Nai
Truyền thông đưa tin, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị thống nhất giải pháp, Tháo gỡ “điểm nghẽn” vật liệu xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia ở Đồng Nai. Tại buổi họp, Đồng Nai: Kiến nghị Bộ TN&MT hỗ trợ nguồn cát san lấp thi công các dự án giao thông trọng điểm. Chủ tịch Võ Tấn Đức đã đề nghị Bộ TN&MT nghiên cứu và hỗ trợ tỉnh thêm nguồn cát san lấp từ các tỉnh Tây Nam Bộ. Hiện tỉnh có 32 mỏ đá xây dựng được cấp phép, nhưng 25 trong số đó đang vướng mắc trong các thủ tục cấp, gia hạn và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tỉnh Đồng Nai mong muốn Bộ TN&MT có những hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ những khó khăn này. Lãnh đạo Bộ TNMT thống nhất với đề xuất của các chủ đầu tư cần thành lập tổ tháo gỡ khó khăn vướng mắc về giấy phép cho các mỏ khai thác khoáng sản. Bộ TN&MT và Bộ GTVT sẽ cử người cùng với tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý để các mỏ sớm được khai thác, tăng quy mô, tăng công suất đáp ứng vật liệu phục vụ cao điểm thi công mùa khô. Ưu tiên cung cấp vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.
12. Tạm đình chỉ 2 Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận
Liên quan đến sai phạm trong lĩnh vực khoáng sản, Bình Thuận tạm đình chỉ 2 Phó Giám đốc Sở TN&MT là bà Phan Thị Xuân Thu và ông Ngô Minh Thành. Cùng với đó là quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Trung Khánh, Phó trưởng phòng Tài nguyên nước và khoáng sản thuộc Sở TNMT tỉnh.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LƯU Ý
1. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Các bộ, địa phương sau 15/2 chưa báo cáo tháo gỡ các dự án tồn đọng sẽ bị thanh tra.
2. Lưu ý thông tin, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam kiến nghị bàn giao hơn 868 ha đất xây dựng sân bay Chu Lai. Thủ tướng giao tỉnh Quảng Nam là cơ quan có thẩm quyền để kêu gọi nhà đầu tư, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường để giải quyết các vướng mắc, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, hoàn thành thủ tục trong 6 tháng đầu năm 2025.
3. Lưu ý các kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA)
3.1: HoREA đề nghị Bộ TN&MT đẩy nhanh tiến độ triển khai Nghị định về thực hiện dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận quyền sử dụng đất (theo bài Phát triển nhà ở vừa túi tiền cần cơ chế mở trên báo Diễn đàn Doanh nghiệp).
3.2: Hiệp hội HoREA đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ TN&MThỗ trợ các địa phương để triển khai, thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ condotel gắn liền với quyền sử dụng đất (sổ hồng), có thời hạn tối đa 50 năm cho các nhà đầu tư, khách hàng (theo bài Kiến nghị cơ chế cấp 'sổ hồng' có thời hạn cho căn hộ condotel trên báo Tiền Phong).
4. Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thẩm định ngay báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong tháng 02/2025 và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đồng Phúc (tỉnh Bắc Giang)./.
Nguồn: Văn Phòng Bộ Tài nguyên Môi trường tổng hợp