THÔNG TIN ĐÁNG LƯU Ý TRONG TUẦN
Tuần qua, Bộ phận Điểm tin ghi nhận hơn 279 tin trên các báo phản ánh các nội dung về quản lý, chính sách và hiện trạng về ngành trên cả nước. Trong đó, tăng đột biến về số lượng và mật độ là thông tin về hợp nhất Bộ TN&MT với NN&PTNT - Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Sự kiện nổi bật tuần qua: Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, chiều 18/2, Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy.
Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ ban hành Nghị quyết về tăng thêm số lượng Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì Hội nghị triển khai Đề án thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Trong tuần, nhiều địa phương đã công bố quyết định bổ nhiệm Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường sau sáp nhập.
THÔNG TIN NỔI BẬT TRONG TUẦN
1. Ông Đỗ Đức Duy trở thành Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất
Chiều 18/2, báo chí đồng loạt đưa tin về việc Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm 4 bộ trưởng của các bộ mới thành lập sau khi sắp xếp, hợp nhất. Trong đó, ông Đỗ Đức Duy trở thành Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Báo Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp Việt Nam, Giao thông và một số trang tin đăng tải Tiểu sử Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy..
2. Thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Ngày 18/2, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành Nghị quyết số 1533/NQ-UBTVQH15 về việc tăng thêm số lượng Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Theo Nghị quyết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường được tăng thêm 5 thứ trưởng và không quá 10 thứ trưởng sau hợp nhất; Bộ Nông nghiệp và Môi trường chính thức hoạt động từ 1.3.
Ngày 19/2, Phó Chủ tịch Quốc Hội Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì Hội nghị Triển khai Đề án thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trên cơ sở hợp nhất Bộ TN&MT với Bộ NN&PTNT, là bước đi quan trọng trong việc thực hiện chiến lược cải cách hành chính; hướng tới một bộ máy nhà nước tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; Bộ Nông nghiệp và Môi trường: Niềm tự hào to lớn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; Nông nghiệp và môi trường tạo lập một ngành kinh tế bền vững; Ngành nông nghiệp và môi trường chuyển mình cùng đất nước.
Về công tác cán bộ, theo Bộ trưởng, sau khi hợp nhất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có 2.890 công chức và hơn 12.000 viên chức công tác tại 2 bộ trước khi hợp nhất. Trong đó, gần 450 người bày tỏ nguyện vọng xin nghỉ sau khi hợp nhất Bộ. Với cán bộ tự nguyện nghỉ hưu sớm sẽ có chính sách khen thưởng xứng đáng. Ngoài ra, dự kiến có 23/40 người đang là cấp trưởng các cục, vụ, các đơn vị trực thuộc sẽ có 3 phương án sắp xếp.
Nhân dịp này, ngành Nông nghiệp và Môi trường tri ân Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan. Tại lễ tri ân, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chia sẻ khi Nông nghiệp và Môi trường hợp nhất sẽ là sự bổ trợ hoàn hảo; Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn đến một tương lai 'Môi trường an lành, nông nghiệp thịnh vượng'.
Tuần qua, nhiều tỉnh thành trong cả nước công bố quyết định bổ nhiệm Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Lĩnh vực Đất đai
3. Tháo gỡ vướng mắc cho các dự án trong kết luận thanh tra, bản án
Về chính sách đất đai, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 170/2024/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án trong kết luận thanh tra, bản án tại TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa, với 1.313 trường hợp vi phạm thời hạn sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
4. Đảm bảo tính khả thi khi thực hiện thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua nhận quyền sử dụng đất
Ngày 18/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương về thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua nhận quyền sử dụng đất. Phó Thủ tướng yêu cầu đảm bảo tính khả thi khi thực hiện thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua nhận quyền sử dụng đất. Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục làm rõ quy định đối với quyền sử dụng đất trả tiền thuê hàng năm và một lần khi thực hiện dự án nhà ở thương mại; trình tự, thủ tục đối với doanh nghiệp bất động sản trong từng loại dự án nhà ở thương mại thí điểm; xây dựng tiêu chí, nguyên tắc xác định các dự án ưu tiên thí điểm...
5. Thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia
Ngày 17/2, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì Hội nghị thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung: Dự báo xu thế biến động của việc sử dụng đất trong thời kỳ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia; Xác định các quan điểm và mục tiêu sử dụng đất trong thời kỳ điều chỉnh quy hoạch; Định hướng sử dụng đất trong thời kỳ điều chỉnh; Xây dựng phương án Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến của các đại biểu về nội dung điều chỉnh chiến lược để bám sát các mục tiêu tăng trưởng với hai con số, bám sát các định hướng lớn để đưa đất đai làm động lực cho các ngành phát triển.
Trước đó, chiều 14/2, Bộ TN&MT làm việc với các Sở TN&MT về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ TN&MT cho biết, Bộ đang khẩn trương xây dựng hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia, dự kiến trình Chính phủ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia trong tháng 3.
6. Định giá đất vẫn tắc! - Cơ quan quản lý cam kết đồng hành để tháo gỡ khó khăn trong công tác định giá đất
Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại “Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân” sáng 19/2. Các ý kiến cho rằng 'khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp địa ốc đang nằm ở khâu định giá đất' dù đã có hiệu lực thi hành gần 7 tháng nhưng Nghị định 71/2024/NĐ-CP về định giá đất vẫn chưa thể áp dụng thực tế bởi địa phương vẫn lúng túng.
Xung quanh vấn đề này, ông Lê Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ đất đai lên tiếng, cho biết khi tham mưu cho Quốc hội ban hành Luật Đất đai sửa đổi, Bộ TN&MT đã xác định vấn đề giá đất là yếu tố quan trọng hàng đầu. Vì vậy, Luật Đất đai sửa đổi đã mở rộng việc áp dụng bảng giá đất và các phương pháp định giá theo hướng minh bạch hơn. Tuy nhiên vấn đề thực thi chính sách vẫn còn nhiều bất cập, nhất là tại địa phương. Hiện nay có sự khác biệt quan điểm giữa đơn vị tư vấn định giá đất, hội đồng thẩm định giá đất và cơ quan có thẩm quyền quyết định giá đất. Ông Bình cho biết Cơ quan quản lý cam kết đồng hành để tháo gỡ khó khăn trong công tác định giá đất.
7. Sổ đỏ mới có mã QR: Đột phá công nghệ trong quản lý đất đai và nâng cao tính minh bạch
Kể từ ngày 1/1/2025, Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực, yêu cầu việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (hay còn gọi là sổ đỏ) phải thực hiện theo mẫu mới có gắn mã QR. Chỉ sau hơn một tháng triển khai, Hà Nội đã cấp phát khoảng 11.000 sổ đỏ mới, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý đất đai. Giới chuyên gia và người dân nhận định, Sổ đỏ mới có mã QR: Đột phá công nghệ trong quản lý đất đai và nâng cao tính minh bạch và bảo mật trong quản lý đất đai, chắc chắn sẽ trở thành công cụ quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, bảo vệ quyền lợi người dân, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý của cơ quan Nhà nước. Nội dung trên báo Xây dựng.
Lĩnh vực Tài nguyên nước
8. Đổi mới phương thức quản lý, bảo vệ tài nguyên nước bền vững
Chiều 19/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước. Phó Thủ tướng chỉ đạo phải đổi mới phương thức quản lý, bảo vệ tài nguyên nước bền vững. Phó Thủ tướng yêu cầu Cơ quan soạn thảo quán triệt nguyên tắc Nghị định phải quản lý toàn bộ "vòng đời" của tài nguyên nước, trong đó, lưu ý đến các hành vi xâm phạm đến an toàn, chất lượng, số lượng của nơi sinh thủy, đầu nguồn nước, các cơ sở cấp nước. Nghị định phải là công cụ quản lý thống nhất, mạnh mẽ, bảo đảm chất lượng, số lượng tài nguyên nước, an ninh, an toàn nguồn nước.
Xung quanh vấn đề này, GS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, hiện nay, trách nhiệm việc quản lý các dòng sông chưa được rõ ràng. Do đó, truy tìm thủ phạm bức tử các dòng sông: sáp nhập bộ ngành là lời giải, cụ thể là sáp nhập Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT.
Trước đó, Bộ TN&MT công bố kịch bản nguồn nước lần đầu trên 6 lưu vực sông (Bằng Giang - Kỳ Cùng; Mã; Hương; Sê San; Srêpôk; Đồng Nai). Đáng chú ý, theo kịch bản, một số khu vực ở 6 lưu vực sông có thể thiếu nước cục bộ.
Lĩnh vực Môi trường
9. Đánh giá nỗ lực bảo vệ môi trường của địa phương
Ngày 10/2/2025, Bộ trưởng TN&MT đã ký Quyết định số 383/QĐ-BTNMT ban hành "Bộ chỉ số Đánh giá nỗ lực bảo vệ môi trường của địa phương. Về nội dung này, trên báo Nhân Dân có ý kiến cho rằng, để bảo đảm Bộ chỉ số thực hiện một cách minh bạch, khách quan, Bộ TN&MT cần tập trung chỉ đạo các đơn vị chuyên môn sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về khái niệm, phương pháp tính đối với từng chỉ số thành phần như: Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp dịch vụ thu gom và xử lý nước thải; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý; tỷ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung được cấp phép môi trường hoặc đã đăng ký theo quy định; tỷ lệ cơ sở thực hiện kiểm kê và có kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; tỷ lệ hài lòng của người dân đối với môi trường sống trên địa bàn mình cư trú...
10. Phân loại rác thải tại nguồn: Khó thực hiện
Đó là dòng tít được nhắc lại nhiều lần trên báo chí tuần qua. Các bài viết dẫn lời chuyên gia phân tích nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện và nhận thức của người dân. Nhiều địa phương vẫn chưa có kế hoạch triển khai cụ thể hoặc chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền mà chưa có biện pháp thực thi, kiểm tra và giám sát hiệu quả. Trong khi đó, nhiều người dân còn đang rất loay hoay với các loại rác thải, không biết thuộc nhóm nào và phân loại ra sao. Cùng với đó, nhiều vấn đề tồn tại cũng đã được chỉ ra...
Thực tế cũng cho thấy hiện vẫn khó xử phạt hành vi không phân loại rác. Đơn cử, tại TP.HCM các địa phương vẫn đang chờ thành phố triển khai đề án phân loại rác tại nguồn. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nhanh chóng hướng dẫn cụ thể để chuyện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn không còn tiếp tục bị lỡ hạn.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LƯU Ý
1. Lưu ý, TS. Nguyễn Văn Khôi (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam) đề nghị Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên phải giám sát quá trình thực hiện, để xác định trách nhiệm của cấp tỉnh, của đơn vị tư vấn. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần sắp xếp các buổi làm việc với UBND các tỉnh để giải quyết vướng mắc về quy trình định giá đất, xác định trách nhiệm của đơn vị tư vấn, của hội đồng thẩm định giá vì hiện định giá đất vẫn tắc.
2. Sở TN&MT TPHCM kiến nghị Bộ TN&MT hướng dẫn làm rõ hành vi người sử dụng đất để đất trống, không sử dụng, bỏ đất hoang. Hiện, thành phố khó xử lý các trường hợp bỏ đất hoang do không có cơ sở để xử lý vi phạm theo Nghị định 123.
3. Lưu ý, TP HCM, Khánh Hòa kiến nghị điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
4. Lưu ý, Công ty Cổ phần Khoáng sản Tấn Phát phản ánh, thiếu hướng dẫn về tính thuế tài nguyên, công ty đã có Công văn 24/CV-KSTP ngày 2/4/2024 gửi Cục Khoáng sản Việt Nam đề nghị hướng dẫn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được văn bản trả lời hướng dẫn cụ thể để thực hiện./.
Nguồn: Văn Phòng Bộ Tài nguyên Môi trường tổng hợp